10 ĐIỀU NÊN LÀM ĐỂ ĐIỀU TRỊ MỤN HIỆU QUẢ HƠN

Bạn đã làm mọi cách nhưng vẫn không hết mụn. Đừng nản! Hãy điểm lại xem bạn đã tuân theo những hướng dẫn sau đây chưa.

1.KIÊN NHẪN CHỜ 4 TUẦN

Thay đổi thuốc bôi liên tục sẽ làm mụn nhiều hơn do gây kích ứng da, từ đó phát sinh mụn. Thực tế, hiệu quả chỉ thấy rõ sau 4-6 tuần và có thể mất hơn 2-3 tháng để sạch mụn hoàn toàn. Thậm chí khi đã sạch mụn, bạn vẫn phải tiếp tục bôi thuốc duy trì để giúp ngừa mụn nổi lại.

2. HÃY ĐỂ Ý RẰNG MỤN LÀ DO NHIỀU NGUYÊN NHÂN GÂY NÊN

Vi khuẩn, bít tắc lỗ chân lông, da dầu, tình trạng viêm là các thành tố sinh mụn. Nếu chưa cải thiện sau 4-6 tuần với 1 loại thuốc bôi, hãy thêm một thuốc bôi khác nhằm tác động đến các nguyên nhân còn lại sinh mụn. Thuốc thứ hai phải tác động theo cơ chế khác với loại đã sử dụng. Trong các thuốc thường dùng, BPO giúp giảm vi khuẩn C.acnes. Retinoids và Salicylic acid vừa giúp thông thoáng lỗ chân lông và giảm viêm.

3. TUÂN THEO SỰ HƯỚNG DẪN

Cách dùng khác nhau (dùng một lượng bao nhiêu, bao lâu bôi một lần) có thể đem lại hiệu quả rất khác nhau. Hãy tuân thủ hướng dẫn của bác sĩ nếu bạn đã được bác sĩ tham vấn về liệu trình và được kê các sản phẩm điều trị.

4. RỬA MẶT 2 LẦN/NGÀY VÀ SAU KHI ĐỔ MỒ HÔI NHIỀU

Da dầu khá nhạy cảm. Rửa mặt hơn 2 lần/ngày có thể gây kích ứng cho da, làm mụn nhiều hơn. Tốt nhất rửa mặt vào buổi sáng sau thức dậy, trước khi ngủ và sau khi mồ hôi ra quá nhiều.

5. NGƯNG CHÀ XÁT VÙNG DA MỤN

Khi da bạn đầy dầu, bụi bẩn, bạn luôn muốn chà xát mạnh để làm sạch da hơn. Nhưng làm như vậy da sẽ kích ứng và nổi mụn nhiều hơn.

6. DÙNG NHỮNG SẢN PHẨM CHĂM SÓC DA HOẶC MỸ PHẨM DÀNH RIÊNG CHO DA MỤN

Chú ý các dòng chữ “won’t clog pores”, “non-comedogenic”, “non-acnegenic”, “oil-free” trên sản phẩm. Mặc dù vậy, đôi khi một số sản phẩm này vẫn sinh mụn, bạn hãy dùng thử trước khi chọn một sản phẩm dùng lâu dài.

7. KHÔNG SỜ, NẶN MỤN TRÊN MẶT

Lấy nhân mụn là cách nhanh nhất giúp bạn sạch mụn. Tuy nhiên, nặn mụn thực ra lại có thể làm mụn nặng hơn. Ngay cả khi bạn hay có thói quen sờ tay lên da mặt cũng dễ làm mụn nổi nhiều hơn.

8. BÔI THUỐC TRÊN CẢ VÙNG DA DỄ BỊ MỤN CHỨ KHÔNG CHỈ CHỖ NỐT MỤN

Thoa một lớp mỏng thuốc mụn lên cả vùng da dễ mụn chứ không chỉ ở nốt mụn sẽ giúp vừa điều trị mụn đang có và ngừa mụn mới sẽ nổi lên.

9. GIẶT ÁO GỐI, NÓN, VÀ NHỮNG THỨ KHÁC TIẾP XÚC VỚI VÙNG DA MỤN

Tế bào da chết, vi khuẩn, bụi bẩn sẽ dần tích tụ trên các vải áo gối, nón...chúng sẽ gây bít tắc lỗ chân lông. Hãy thường xuyên vệ sinh những thứ thường hay tiếp xúc lên da mặt của bạn. Giặt hoặc thay chăn mền, áo gối 2-3 lần/tuần bạn có thể thấy mụn thay đổi rõ rệt.

10. NGHE TƯ VẤN CỦA BÁC SĨ DA LIỄU

Nếu mụn vẫn cứ ở lì trên mặt dù bạn đã làm tốt các bước trên hoặc bạn có mụn nặng như nang, nốt, mụn mủ nhiều (những dạng mụn này sẽ để lại sẹo), hãy gặp bác sĩ da liễu. Với các phương thức điều trị mụn hiện nay và kinh nghiệm của bác sĩ da liễu, hầu như các trường hợp mụn đều sẽ được giải quyết tốt. Bác sĩ da liễu sẽ khám và đề ra một liệu trình trị mụn riêng dành cho bạn.